Giới thiệu chung
Publish date 14/08/2019 | 14:04  | View Count: 1008

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

Giới thiệu phường Thụy Phương

Địa chỉ : Số 125 đường Thụy Phương phường Thụy Phương – quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội

Điện thoại : 0243.7429019

A. Giới thiệu chung:

Thụy Phương ở phía tây bắc thủ đô Hà Nội, là một trong 13 phường của quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội . Phía Bắc phường Thụy Phương giáp sông Hồng và xã Hải Bối của huyện Đông Anh, có đường quốc lộ 23 từ Hà Nội men theo đê sông Hồng lên tới phường Thượng Cát và huyện Đan Phượng. Phía Đông giáp phường Đông Ngạc. Phía nam giáp phường Cổ Nhuế và Minh Khai. Phía tây giáp phường Liên Mạc.

          Làng Chèm là tên nôm của phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội nằm cách trung tâm thủ đô 12km về phía Tây. Phía Bắc giáp sông Hồng, phía Tây giáp phường Liên Mạc, phía Đông giáp phường Đông Ngạc, phía Nam giáp phường Minh Khai và Cổ Nhuế. Tổng diện tích tự nhiên là 285 ha, gồm 07 Tổ dân phố, trên 3000 hộ gia đình và trên 13000 nhân khẩu 

          Chèm là một làng Việt cổ có nhiều huyền tích gắn với sông Hồng và miền đất cổ Từ Liêm. Các nhà ngôn ngữ học và dân tộc học giả định rằng “Chèm” tiếng việt cổ phát âm là B-lem, T-rem hay T-lem sau này được ghi âm bằng chữ Hán thành Từ Liêm. Như vậy tên gọi Từ Liêm với tư cách là địa danh đơn vị hành chính cấp huyện trước đây có xuất xứ từ làng Chèm.

          Người xưa đặt tên làng hay địa danh nói chung thường dựa vào nguồn gốc tính chất của con người và cảnh vật của quê hương mà đặt tên. Với ý nghĩa ấy thì tên gọi của làng Chèm được đặt ra là xuất phát từ niềm tin, ước vọng lẽ sống của người quê ta thuở trước và cũng là để di chúc cho muôn đời con cháu về sau. 

Trải qua quá trình đấu tranh với thiên nhiên và giặc ngoại xâm để xây dựng và bảo vệ làng xã, người dân nơi đây đã hun đúc nên nhiều truyền thống tốt đẹp. Truyền thống yêu nước, yêu quê hương sớm được hình thành. Truyền thống văn hóa với những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, điển hình là lễ hội truyền thống Đình Chèm thể hiện tinh thần yêu nước, tình đoàn kết keo sơn của quê hương. Từ xa xưa người dân nơi đây đã lấy sản xuất nông nghiệp là nguồn sinh sống chủ yếu. Đặc điểm tự nhiên ở Thụy Phương là đồng ruộng cấy trồng đất pha cát do phù sa của dòng sông Hồng từ xa xưa bồi đắp người dân Thụy Phương cần cù chịu khó trong lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống ấm no. Ngoài nhân dân của Thụy Phương nói chung, phường còn có 2 họ Phê Rô và KiTô với hơn 1000 giáo dân. Bà con giáo dân sống tốt đời đẹp đạo chung tay hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước cùng bà con trong phường xây dựng phong trào “Toàn Dân Đoàn Kết Xây Dựng Đời Sống Văn Hóa”.

          Những năm đầu thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thụy Phương có vị trí chiến lược quan trọng đối với thủ đô Hà Nội nên các cuộc đấu tranh đã góp phần giữ vững chính quyền ở Thủ đô diễn ra ở Thụy Phương khá ác liệt, Thụy Phương nằm trong “vành đai đỏ” ngoại thành . Khi cuộc kháng chiến bùng nổ ở Thủ đô Hà Nội, Thụy Phương là đầu mối vận chuyển hậu cần tiếp tế cho Thủ đô, máy bay của giặc Pháp đã quần đảo đánh phá nơi đây và tuyến đường 23( đê sông Hồng) – con đường vận chuyển chủ yếu cho Liên khu I thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Thủ đô, Thụy Phương là đầu mối. Sông Hồng và sông Nhuệ - nơi diễn ra cuộc chiến đấu của quân dân Hà Nội đánh địch ngăn chặn chúng trên tuyến sông Nhuệ ( Chèm – Cầu Diễn- Đại Mỗ) đánh quân Pháp mở rộng chiếm đóng ra phía tây thành phố. Là một phường nằm trong vùng địch tạm chiến, Đông Thụy ( Đông Ngạc – Thụy Phương) những năm quân Pháp chiếm đóng đầy gian khổ hy sinh nhưng cán bộ, đảng viên và nhân dân Thụy Phương vẫn một lòng hướng về Đảng và Bác Hồ, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến tới ngày Thủ đô giải phóng (10/10/1945).

          Hòa bình lập lại ở miền Bắc, Thụy Phương cùng nhân dân cả nước đi lên xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất Tổ quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội; góp phần xây dựng hậu phương lớn miền Bắc - nhân tố quyết định cho thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc và vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa, nhân dân Thụy Phương đã đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất “ tay cày, tay súng” đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, giữ vững và ổn định đời sống nhân dân, làm tròn nghĩa vị của hậu phương với tiền tuyến. Ở cửa ngõ phía tây bắc thủ đô Hà Nội có bến phà Chèm – đầu mối giao thông đường thủy quan trọng nối liền bờ Bắc và Nam sông Hồng, có Tiểu đoàn tên lửa 77 bảo vệ Thủ đô và một số cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn, Thụy Phương là một trong những trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, nhân dân Thụy Phương đã có những đóng góp to lớn đảm bảo giao thông thông suốt, đắp đường cho xe chở đạn vào trận địa tên lửa ở những thời điểm ác liệt, động viên cổ vũ, ngụy trang trận địa, dân quân tự vệ phối hợp với các trận địa phòng không bắn máy bay Mỹ bảo vệ cầu cống, đê điều, góp phần cùng các trận địa pháo, tên lửa bắn rơi nhiều máy bay của đế quốc Mỹ. Đã xuất hiện nhiều gương cán bộ, đảng viên và thanh niên tiêu biểu không quản hy sinh gian khổ tình nguyện lên đường nhập ngũ và làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Ngày 31/12/2013 Thực hiện NQ 132 của Thủ Tướng Chính phủ, Quận Bắc Từ Liêm được thành lập, Thụy Phương trở thành phường và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/04/2014 trên cơ sở giữ nguyên diện tích đất tự nhiên và dân số. Hiện nay phường Thụy Phương có 3.784 hộ với 13.747 nhân khẩu sinh sống tại 07 Tổ dân phố. Đảng bộ phường Thụy Phương được thành lập từ năm 1963, hiện nay Đảng bộ phường Thụy Phương có 12 chi bộ và 367 Đảng viên đang sinh hoạt.

          Với nguồn gốc lịch sử lâu đời, phường Thụy Phương hiện bảo lưu những di sản kiến trúc nghệ thuật độc đáo có giá trị cao về lịch sử, khoa học và nghệ thuật.

Tiêu biểu là Đình Chèm được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1990.Tọa lạc tại Tổ dân phố Đình, Đình Chèm gắn liền với sự tích Lý Ông Trọng – “đấng trượng phu, văn võ song toàn”, Ngài đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược thời Thục An Dương Vương và trở thành Thần thành hoàng làng ngay trên quê hương mình. Công tích của đức Thánh đối với quê hương đất nước vẫn còn lưu truyền từ đời này sang đời khác. Ngài là vị anh hùng, là niềm tự hào và biểu tượng cao quý của mỗi người dân quê hương Thụy Phương.  

          Chùa Chèm, tên gọi chữ Hán là chùa Hàm Long tọa lạc tại TDP Đại Đồng, phường Thụy Phương là một di tích tôn giáo Phật và thờ Mẫu. Chùa được khởi dựng vào khoảng đầu thời Lê. Chùa hiện còn lưu giữ bộ sưu tập di vật quý gồm 42 pho tượng Phật tròn được tạo bằng gỗ và thổ, phủ sơn son thiếp lộng lẫy có niên đại từ thế kỷ XVII – thế kỷ XX. Với những giá trị về mặt kiến trúc, tôn giáo, nghệ thuật của mình, chùa Chèm đã được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 29 tháng 01 năm 1993.

          Nhà thờ Thiên Chúa giáo của Họ Đạo Phê Rô -Văn Phái ở TDP Hồng Ngự, phường Thụy Phương được xây dựng vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX theo kiểu kiến trúc nhà thờ mở cửa đầu hồi, cấu trúc bên trong rộng rãi thoáng đãng, có thể chứa hơn trăm người ngồi nghe giảng kinh làm lễ. Số lượng giáo dân của giáo họ hơn 1000 người, nhà thờ Thiên chúa giáo KiTô được xây dựng tại Tổ dân phố Hồng Ngự.

Dưới sự lãnh đạo của Quận uỷ, HĐND, UBND quận Bắc Từ Liêm, Đảng bộ, Chính quyền và các tầng lớp nhân dân phường Thụy Phương đã chủ động nắm bắt các nguồn lực tiềm năng của địa phương, vận dụng sáng tạo các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vào điều kiện thực tế của địa phương, khơi dậy sức dân tập trung phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội. Xây dựng thành công “Nông thôn mới giai đoạn 2010-2013”.

Hệ thống đường giao thông được mở rộng, các trường học được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia về giáo dục, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia y tế cơ sở, trạm bơm nước, hệ thống điện, đèn chiếu sáng được thực hiện theo quy hoạch chuẩn đô thị. Nhà văn hóa phường, tổ dân phố đang được xây dựng và đầu tư đồng bộ, các di tích lịch sử văn hoá được đầu tư tôn tạo. Đặc biệt, công tác Quản lý Đô thị, trật tự và văn minh đô thị, vệ sinh môi trường đi vào nề nếp.

Trong công tác văn hoá - xã hội, phường đã triển khai thực hiện tốt các đề án "Xây dựng TDP văn hoá", "Giải quyết lao động việc làm", Tổ chức tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, tỷ lệ hộ đạt gia đình văn hoá  hàng năm đều đạt trên 90%; Các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên; số hộ nghèo đã giảm ; 100% trẻ đến độ tuổi được đến trường. Thụy Phương là một trong nhiều phường trên địa bàn quận làm tốt công tác khuyến học, công tác DSGĐ&TE.

Thực hiện tốt công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác hậu phương quân đội, khám tuyển nghĩa vụ quân sự.

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của đảng viên, tổ chức cơ sở đảng, đổi mới hình thức sinh hoạt chi bộ, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể với nhân dân.

Tiếp tục giữ vững những thành tích đã đạt được, phường Thụy Phương quyết tâm phấn đấu và xây dựng Đảng bộ, chính quyền phường đạt trong sạch, vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, xây dựng chính quyền thực sự là của dân do dân và vì dân, góp phần đẩy mạnh vào sự nghiệp phát triển của quận Bắc Từ Liêm.

    BĐiện thoại đường dây nóng, hòm thư công vụ:

* Điện thoại đường dây nóng, hòm thư công vụ của Phường:

-        Điện thoại đường dây nóng: 0243.7429026

-        Hòm thư điện tử công vụ: ptph_bactuliem@hanoi.gov.vn

* Lãnh đạo phụ trách một cửa:

-        Họ tên: Nguyễn Thị Thanh Loan

-        Điện thoại: 0243.7429026

-        Hòm thư điện tử công vụ: Nguyenthithanh loan_bactuliem@hanoi.gov.vn