Hà Nội: Người dân không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết
Publish date 05/05/2021 | 22:58  | View Count: 407

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

QĐND Online - Ngày 5-5, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 trong tình hình mới.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19, Bộ Y tế và Thành ủy về công tác PCD; để chủ động ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp PCD trong tình hình mới.

Cụ thể, toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp của thành phố phải xác định nhiệm vụ PCD Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, huy động toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp vào cuộc, bảo đảm kiểm soát hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp PCD Covid-19. Trong đó, tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp PCD: Bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định; bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở hoặc các triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19, phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám, điều trị kịp thời.

Hà Nội: Người dân không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết
Người dân đến khám bệnh tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương bắt buộc phải khai báo y tế . Ảnh: Công Thắng

Bên cạnh đó, TP cũng tổ chức xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực có nguy cơ cao, trong đó lưu ý các khu vực có nhiều chuyên gia, khu công nghiệp..., và các đối tượng có nguy cơ (người từ vùng dịch về, người có các biểu hiện ho, sốt, khó thở...) để đánh giá nguy cơ dịch bệnh và đưa ra các giải pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả.

Chỉ thị nêu rõ, dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ khác phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn PCD như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc. Đối với nhà hàng ăn, uống phục vụ trong nhà, yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu 1m giữa người với người hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.

Thực hiện các biện pháp PCD trong vận chuyển hành khách công cộng: Hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, có dung dịch để sát khuẩn tay; lập danh sách hành khách (họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ) đối với hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh; sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên xe.

Thực hiện PCD Covid-19 tại hộ gia đình, chung cư, trường học, trụ sở làm việc, hội họp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu công nghiệp, nhà máy... theo Quyết định số 3888/QĐ-BYT ngày 8-9-2020 của Bộ Y tế ban hành sổ tay hướng dẫn PCD tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới.

Dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, karaoke, quán bar, vũ trường, game, internet; các rạp, trung tâm chiếu phim; các cơ sở dịch vụ spa, massage, xông hơi, phòng tập gym; các hoạt động tập thể dục, thể thao, các sự kiện tập trung đông người tại khu vực công cộng, vườn hoa, công viên cho đến khi có chỉ đạo mới của Ban Chỉ đạo thành phố. Thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh, hạn chế tối đa tập trung đông người và bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp PCD.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm thực hiện công tác PCD trong cơ quan, đơn vị: Không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không tổ chức liên hoan, tiệc mừng: Khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin, không để đình trệ nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thành phố thực hiện quyết liệt các biện pháp PCD trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Các đoàn kiểm tra các cấp của thành phố tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện công tác PCD kết hợp với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại các địa phương.

Chủ tịch UBND thành phố cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương. Trong đó, Sở Y tế được giao căn cứ vào đặc điểm, tính chất, cơ chế lây bệnh của chủng virus trên địa bàn thành phố, chỉ đạo phương án khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm theo ưu tiên mức độ cấp thiết phù hợp với từng đối tượng, khu vực; Hướng dẫn, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, kiểm tra, thực hiện kịp thời, có hiệu quả công tác phát hiện, cách ly, khoanh vùng triệt để khi phát hiện ca lây nhiễm, xuất hiện ổ dịch trên địa bàn. Khi phát hiện ca bệnh dương tính, khẩn trương bao vây khoanh vùng, khử khuẩn những địa điểm liên quan theo quy định. Đồng thời, tổ chức truy vết “thần tốc”, xác định nhanh nhất những trường hợp liên quan đến tiếp xúc với ca bệnh để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế theo quy định; cương quyết, dồn mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh. Đồng thời, rà soát, chuẩn bị nguồn lực và xây dựng các phương án để đáp ứng với tình hình dịch. Triển khai thực hiện việc mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế cần thiết đáp ứng yêu cầu công tác PCD trên địa bàn...

                                                                      BÌNH NGUYÊN